Phòng ngừa thiếu máu hiệu quả.
Thiếu máu do thiếu sắt gây nhiều tác hại nặng nề đối với cơ thể. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh được nguy cơ bị thiếu máu nếu có biện pháp khoa học.
Thiếu sắt là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng thiếu máu trong cộng đồng. Các em gái tuổi vị thành niên, phụ nữ mang thai, và phụ nữ trong độ tuổi sinh sản là những đối tượng dễ bị thiếu máu nhất. Thiếu máu do thiếu sắt gây nhiều tác hại nặng nề đối với cơ thể. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh được nguy cơ bị thiếu máu nếu có biện pháp khoa học.
Các dấu hiệu thiếu máu thiếu sắt
Biểu hiện của thiếu máu thiếu sắt thường âm thầm, khó phát hiện. Chỉ đến khi thiếu máu rõ thì mới xuất hiện các dấu hiệu mệt mỏi, kém tập trung, hoa mắt, chóng mặt, khó thở, tim đập nhanh khi lao động gắng sức, da xanh xao, niêm mạc mắt nhợt nhạt, môi và lòng bàn tay kém hồng, móng tay dẹt và mất bóng…
Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy khi bị thiếu sắt ở mức độ nhẹ nhưng chưa đến mức gây thiếu máu cũng đã ảnh hưởng đến khả năng toán học của trẻ. Bà mẹ mang thai nếu thiếu sắt sẽ không thể trang bị đầy đủ “kho” dự trữ sắt cho thai nhi trước khi ra đời. Do đó, trẻ sinh ra sẽ có nguy cơ cao bị thiếu máu.
Khi bị thiếu máu, trẻ sẽ chậm tăng trưởng, biếng ăn, giảm sức đề kháng nên dễ mắc bệnh, học sinh giảm khả năng tập trung nên thành tích học tập kém. Phụ nữ bị thiếu máu sẽ có thể chất kém, giảm năng lực vận động nên thành tích thể thao và năng suất lao động kém. Phụ nữ mang thai có nhiều nguy cơ thai sản (sanh non, sơ sinh nhẹ cân, băng huyết sau sanh…).
Phụ nữ trong độ tuổi sanh đẻ là đối tượng có nguy cơ thiếu sắt cao vì bị mất máu và sắt thường xuyên qua kinh nguyệt. Trung bình, mỗi kỳ kinh nguyệt mất khoảng 40-60ml máu (mỗi 1ml máu mất sẽ kéo theo 0,5mg sắt mất). Chính vì thế, các em gái trong độ tuổi dậy thì và phụ nữ trong độ tuổi sinh sản là những đối tượng dễ bị thiếu máu thiếu sắt.
Bổ sung vi chất sắt phòng thiếu máu
Để kiểm soát tình trạng thiếu máu thiếu sắt, chúng ta cần bổ sung sắt mỗi ngày thông qua chế độ dinh dưỡng. Trong khẩu phần ăn, cần lựa chọn thực phẩm giàu sắt cho bữa ăn gia đình, bao gồm: gan, thịt cá các loại (đặc biệt là thịt cá đỏ như thịt bò, thịt heo, cá thu, cá ngừ…), lòng đỏ trứng; các loại đậu, và các loại rau xanh đậm như rau dền, rau ngót, rau muống…
Sắt có nguồn gốc động vật dễ hấp thu hơn sắt nguồn gốc thực vật. Do vậy, cần dùng thêm trái cây tươi giàu vitamin C (cam, chanh, bưởi, táo, sơ ri, đu đủ, chuối…) sau bữa ăn có thực phẩm giàu sắt sẽ giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn. Cũng cần lưu ý không nên uống nước trà đặc quá gần bữa ăn mà chỉ nên uống cách sau bữa ăn từ 2 giờ trở đi vì chất polyphenol trong trà sẽ hạn chế việc hấp thu sắt.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, bé gái trong độ tuổ dậy thì và phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, do có sự mất máu qua chu kì kinh nguyệt nên cần được uống viên sắt dự phòng, cần bổ sung viên sắt mỗi tuần 1 viên (viên sắt có thể kèm các yếu tố tạo máu khác nhau như acid folic, vitamin B12) để tạo nguồn sắt dự trữ cho cơ thể.
Trong quá trình uống sắt, bạn có thể bị táo bón. Đây là tác dụng phụ thông thường của các chế phẩm sắt. Tuy nhiên, các chế phẩm chứa sắt dạng muối hữu cơ fumarate sẽ hạn chế tác dụng phụ này và cũng được cơ thể hấp thu tốt hơn.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý và uống bổ sung sắt dự phòng, cần nhớ giữ gìn vệ sinh ăn uống đề phòng nhiễm giun vì giun sán (đặc biệt là giun móc và giun đũa) sẽ gây mất máu và mất sắt qua đường tiêu hóa. Chú ý tẩy giun định kỳ 6 tháng 1 lần
Nhu cầu sắt mỗi ngày ở từng độ tuổi
(Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia)*
Độ tuổi | Nam | Nữ |
Dưới 6 tháng | 0,93 mg | 0,93 mg |
6-12 tháng | 12,4 mg | 12,4 mg |
1-3 tuổi | 7,7 mg | 7,7 mg |
4-6 tuổi | 8,4 mg | 8,4 mg |
7-9 tuổi | 11,9 mg | 11,9 mg |
10-12 tuổi | 19,5 mg | Chưa kinh nguyệt: 18,7 Có kinh nguyệt: 43,6 |
13-15 tuổi | 19,5 mg | 41,3 mg |
16-18 tuổi | 25,1 mg | 41,3 mg |
19-60 tuổi | 18,3 mg | 19-49 tuổi: 39,2 mg Tiền mãn kinh: 15,1 mg |
51 tuổi trở lên | 8 mg | 8 mg |
Phụ nữ mang thai: + 20 mg so với nhu cầu bình thường ở từng độ tuổi
Phụ nữ cho con bú: + 39,2 mg so với lúc chưa có thai
* Nhu cầu sắt này dựa trên chế độ ăn có giá trị sinh học trung bình (sắt hấp thu từ chế độ ăn khoảng 10%).
Quỳnh Chi (Nguồn: Ferrovit)