NHÂN SÂM (人蔘) Radix Ginseng
Tên khác: Đường sâm, Hồng sâm, Bạch sâm, Sâm Cao ly, Sâm Triều tiên, Viên sâm.
Tên khoa học: Panax ginseng C.A.Mey., họ Ngũ gia (Araliaceae).
Mô tả:
Cây nhỏ, cao 30-50cm có thể sống trên 50 năm. Cây mang ở ngọn một vòng 4-5 lá. Cuống lá dài. Lá kép chân vịt. Lá lúc đầu có 3 lá chét về sau có 5 lá chét; hai lá chét ngoài nhỏ hơn các lá chét ở giữa. Mép lá có răng cưa. Cây trồng thì ra hoa vào năm thứ 3 vào mùa hạ; từ điểm giữa của vòng lá nhô lên một trục cao chừng 10 cm mang hoa màu trắng nhạt nhóm họp thành tán đơn. Hoa đều 5 cánh, lá đài 5 răng, 5 nhị. Bầu dưới, 2 ô. Quả hạch, màu đỏ gần hình cầu. Rễ củ thường to bằng ngón tay phân thành nhiều nhánh nom như hình người nên có tên là nhân sâm. Đôi khi có những củ sâm có kích thước rất lớn nặng đến 300-400g.
Bộ phận dùng: Dược liệu là rễ đã chế biến của cây Nhân sâm (Radix Ginseng)
Phân bố: Mọc hoang và được trồng ở đông bắc Trung quốc, Triều tiên, Liên xô cũ. Cây ưa bóng râm. Nước ta chưa trồng được cây này. Dược liệu nhập từ các nước khác.
Thu hái: Thường thu hoạch Nhân sâm vào mùa thu (tháng 9-10), ở những cây trồng từ 4 năm trở lên, rửa sạch, phơi nắng nhẹ, hoặc sấy nhẹ đến khô.
Tác dụng dược lý:
Ginsenosid hoặc dịch chiết từ nhân sâm có những tác dụng sau:
+ Kháng histamin: ngăn ngừa hiện tượng co thắt ruột của chó gây ra do tiêm histamin phosphat.
+ Kháng cholin: giảm co thắt ruột của chuột lang cô lập khi gây co thắt bởi acetyl cholin.
+ Giảm lượng cholesterol của huyết thanh thí nghiệm trên chuột.
+ Tác dụng làm giảm hoạt động nhưng lại làm thức tĩnh, trên chuột làm thí nghiệm thấy nằm nhiều nhưng ngủ ít.
+ Có tác dụng chống stress ở chuột thí nghiệm.
+ Tăng khả năng nhận biết và trí nhớ của chuột.
+ Trên huyết áp có hai giai đoạn nâng và hạ.
+ Tác dụng kích thích tổng hợp RNA trên gan chuột cống nếu tiêm ginsenosid vào màng bụng 4 giờ trước khi tiêm các chất tiền sinh (acid orotic – 614-C và phosphat có đánh dấu). Các nhà nghiên cứu Nhật đã chế dung dịch tiêm hỗn hợp ginsenosid (từ 100g nhân sâm chiết được 1,2 g hoạt chất) có tác dụng kích thích tổng hợp RNA.
+ Tác dụng chuyển glucose thành glycogen, ngăn ngừa hiện tượng giảm glycogen, ATP hoặc creatin phosphat và ngăn ngừa hiện tượng tăng acid lactic và acid pyruvic trong cơ của chuột cống thí nghiệm bằng phương pháp cho chuột bơi, do đó cung cấp được một cách nhanh chóng năng lượng cho cơ hoạt động. Ginsenosid có tác dụng tăng sức nếu đưa thuốc vào dạ dày chuột nhắt trắng trước khi làm thí nghiệm cho chuột chạy đến kiệt sức.
+ Tăng bài niệu kèm thải ure.
+ Tăng tác dụng bảo vệ cơ thể đối với bức xạ tốt hơn ionol.
+ Tác dụng giảm sốt, giảm đau do thấp khớp.
+ Tác dụng kích dục.
+ Tác dụng kích thích miễn dịch.
+ Dịch chiết nhân sâm có tác dụng kéo dài thời gian sống của chuột thí nghiệm bị nhiễm trypanosom; có tác dụng ngăn ngừa cơn sốt của thỏ thí nghiệm bị nhiễm vi khuẩn thương hàn và phó thương hàn, có tác dụng làm giảm độ viêm trên chân chuột thí nghiệm.
+ Thí nghiệm trên người dùng dịch chiết nhân sâm đã được tiêu chuẩn hóa bằng hàm lượng ginsenosid, chứng minh có sự cải thiện rất rõ về tinh thần cũng như thể lực. Thí nghiệm trên người có tuổi cho thấy có sự nâng cao tuần hoàn máu trong tim và não, do đó tăng được khả năng làm việc, làm giảm sự mất trí nhớ.
+ Panaxan (=glycan) của rễ có tác dụng chống tiểu đường.
+ Độc tính của saponin nhân sâm rất thấp, LD50 = 765 mg/kg (tiêm vào màng bụng chuột).
Thành phần hoá học:
Thành phần chính là các saponin triterpenoid tetracyclic nhóm dammaran gọi chung là ginsenosid. Trước đây khi thủy phân các glycosid bằng acid người ta thu được 2 aglycon chính là panaxadiol và panaxatriol. Về sau xác định lại và thấy rằng các aglycon trên không thật vì dưới tác dụng của acid thì mạch nhánh bị đóng vòng lại. Bằng phương pháp thủy phân bằng enzym hoặc hóa giáng đặc biệt để cắt đường mà không ảnh hưởng đến phần aglycon người ta thu được các aglycon thật: protopanaxadiol (=dammar – 24-ene, 3ß, 12ß, 20-triol) và protopanaxatriol (= dammar – 24-ene 3ß-, 6α, 12ß, 20-tetraol).
Các thành phần khác: tinh dầu 0,05%-0,25%, vit B1, B2, các phytosterol 0,029%, glycan.
Công năng: Đại bổ nguyên khí, phục mạch cố thoát, bổ tỳ ích phế, sinh tân, an thần.
Công dụng: Cơ thể suy nhược, có thoát chứng, chân tay lạnh, mạch vi, tỳ hư, ăn ít, phế hư ho suyễn, tân dịch thương tổn, miệng khát nước, nội nhiệt tiêu khát, đái tháo, bệnh lâu ngày gầy yếu, đánh trống ngực, mất ngủ; liệt dương, tử cung lạnh, suy tim kiệt sức, ngất do bị bệnh tim.
Cách dùng, liều lượng: 2-6g một ngày. Dạng thuốc bột, thuốc sắc, cao lỏng, rượu thuốc.
Bào chế:
Hồng sâm: chọn củ mẫm to, nặng trên 37g, rửa sạch đất cát, cho vào nồi chưng chín trong khoảng 2 giờ, sau đó sấy hoặc phơi khô. Sau khi chế biến thì tinh bột có trong rễ bị chín và khi khô thì thể chất trong suốt nửa như sừng, có màu hồng mùi thơm, vị ngọt hơi đắng. “Thân” sâm hình thoi hoặc gần như hình trụ, phần trên và phần dưới hơi thót lại. Phần “đầu” tức là cổ rễ, đôi khi nom rõ vết sẹo của thân. Rễ đôi khi phân nhánh nom như cánh tay, phần dưới có 2 hoặc 3 nhánh nom như chân. Củ càng to càng giá trị.
Bạch sâm (hoặc đường sâm): những củ sâm không đủ tiêu chuẩn chế hồng sâm thì chế bạch sâm. Sau khi rửa sạch đất cát thì nhúng vào nước sôi vài phút, sau đó tẩm đường vài ngày rồi phơi hoặc sấy ở nhiệt độ không quá 60o. Dược liệu sau khi chế biến thì mặt ngoài màu trắng ngà, mềm, thường có tinh thể đường bám bên ngoài, mặt bẻ màu trắng ngà và xốp, mùi thơm, vị ngọt.
Ngoài 2 loại trên ra thì còn có:
– Sinh sái sâm là loại sâm để nguyên vỏ, sau khi loại sạch đất cát chỉ phơi khô.
– Đại lực sâm là loại sâm chế biến có nhúng vào nước sôi vài phút rồi lấy ra phơi.
– Tu sâm là rễ con của củ sâm.
– Người ta còn phân biệt loại trồng là viên sâm, loại mọc hoang là dã sơn sâm.
– Trà sâm: dịch chiết sâm, bốc hơi, bào chế dưới dạng bột hòa tan, đựng trong túi giấy bạc.
Bài thuốc:
1. Dùng Nhân sâm điều trị cấp cứu trong trường hợp bệnh nguy kịch (Đông y cho là chứng Vong âm vong dương): khí thoát, chân tay lạnh, tự ra mồ hôi, mạch trầm vi tế hoặc trường hợp chảy máu nhiều, gây chóang (suy tuần hoàn cấp), dùng Nhân sâm để ích khí cứu thóat, hồi dương cứu nghịch, dùng bài: Sâm phụ thang: Nhân sâm 3 – 6g, Phụ tử chế 4 – 16g, sắc uống 6 lần. Đối với trường hợp dương hư chân tay lạnh ( choáng trụy tim mạch) cần thực hiện Đông tây y kết hợp cấp cứu.
2. Trị chứng rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy kéo dài do tỳ vị hư nhược: Tứ quân tử thang: Nhân sâm 4g, Bạch truật 12g, Bạch linh 12g, Cam thảo 4g, sắc uống.
3. Trị các loại bệnh phổi như hen phế quản, viêm phế quản mạn tính, tâm phế mạn, dùng bài:
+ Nhân sâm định suyễn thang: Nhân sâm 8g ( gói sắc riêng), Thục địa 20g, Thục phụ phiến 12g, Hồ đào nhục 16g, Tắc kè 8g, Ngũ vị tử 8g, sắc uống.
+ Nhân sâm Hồ đào thang: Nhân sâm 4g, Hồ đào nhục 12g, saüc uống trị chứng hư suyễn.
4. Trị bệnh cảm ở người vốn khí hư dùng bài: Sâm tô ẩm (cục phương): Nhân sâm 4g (sắc riêng), Tô diệp 12g, Phục linh 12g, Cát căn 12g, Tiền hồ 4g, Bán hạ (gừng chế) 4g, Trần bì 4g, Chỉ xác 4g, Cát cánh 4g, Mộc hương 3g ( cho sau), Cam thảo 3g, Sinh khương 3 lát, Đại táo 2 quả, sắc uống nóng cho ra mồ hôi.
5. Trị chứng thiếu máu: Dùng các bài bổ huyết như Tứ vật thang, Đương qui bổ huyết thang, gia thêm Nhân sâm kết quả tốt hơn.
6. Trị tiểu đường: thường dùng các thuốc tư bổ thận âm: Tiêu khát ẩm: Cát lâm sâm 8g ( sắc riêng), Thục địa 24g, Kỷ tử 16g, Thiên
7 . Trị cao huyết áp và xơ mỡ động mạch:
+ Các tác giả Liên xô dùng cồn 20% Nhân sâm, mỗi lần 20 giọt, ngày 2 lần, đối với các chứng huyết áp cao, xơ mỡ động mạch, đau thắt tim, thần kinh tim và hở van tim, đều có kết quả nhất định như cảm giác dễ chịu, bớt khó thở, bớt đau thắt tim, bớt đau đầu, ngủ tốt, điện áp sóng T và R được nâng cao. ngưng thuốc 6 – 9 tháng, bệnh tình vẫn ổn định (Vương Bản Tường, Ứng dụng lâm sàng vị Nhân sâm Cát lâm Y học 1983,5:54).
+ Nhân sâm có tác dụng làm giảm mỡ trong máu ở người già nhất là đối với Triglicerid 80% người được thí nghiệm cảm thấy thể lực và trí lực đều tăng, 54% mất ngủ được cải thiện, 40% chứng tinh thần trầm cảm giảm, rối loạn sắc tố da ở người già được cải thiện, bớt rụng tóc.
8. Dùng trị chứng suy thượng thận (Addison): Theo báo cáo của Vương Bản Tường theo dõi 18 ca, bệnh nhân Addison cho uống cồn chiết xuất thân lá Nhân sâm 20% (tương đương 0,5g thuốc sống/1ml ); liều 20 – 30ml ngày uống 3 lần và tăng dần liều đến 150 – 300ml mỗi ngày. Liệu trình bình quân 121 ngày. Sau điều trị, bệnh nhân lên cân, huyết áp được nâng lên, lực nắm bàn tay mạnh hơn, đường huyết lên, natri huyết thanh tăng. Thử nghiệm nước cocticoit và ACTH đều được cải thiện, giảm lắng đọng sắc tố ở da, đối với bệnh nhân sớm và ở giai đoạn bù trừ có kết quả tốt, có thể hồi phục khả năng bù trừ, cần dùng kết hợp với cocticoit có giảm liều (Báo Y học Cát lâm 1983,5:54).
9. Dùng trị tỳ hư trẻ em: có các triệu chứng đần độn, ra mồ hôi, sắc mặt tái nhợt, vàng bủng.
+ Trẻ em dưới 3 tuổi: Hồng sâm 3g sắc được 30ml.
+ Trẻ em trên 3 tuổi: sắc lấy 60ml gia thêm đường mía, chia 2 lần uống trong ngày, một liệu trình 7 – 14 ngày.
10. Trị bệnh động mạch vành: Theo báo cáo của Dụ Hương Quần dùng Tiểu Hồng sâm chế thành dịch, tiêm hàm lượng 200mg/2ml/1ống; dùng 6 – 10ml thuốc trộn với 40ml gluco 10% tiêm tĩnh mạch, ngày 1 – 2 lần. Tác giả theo dõi 31 ca: Đau thắt tim có kết quả 93,54%, điện tâm đồ được cải thiện 76,66% đối với loạn nhịp tim cũng có tác dụng nhất định (Báo Y học An huy 1988,3:51).
11.Trị chứng giảm bạch cầu: Chiết xuất Saponin từ thân, rễ, lá Nhân sâm chế thành viên, mỗi lần dùng 50 – 100mg, ngày uống 2 – 3 lần. Trị 38 ca hạ bạch cầu do hóa liệu, tỷ lệ kết quả 87%, trên súc vật thực nghiệm cũng chứng minh thuốc có tác dụng tăng bạch cầu rõ và có khả năng kích thích chức năng tạo máu (theo báo nghiên cứu phòng trị Ung thư 1987,3:149).
Chú ý: Không dùng khi đang đại tiện lỏng, người khó ngủ không nên dùng vào buổi chiều tối. Phản Lê lô, Ngũ linh chi.
Theo thuocdongduoc.vn