CỐT TOÁI BỔ
Cốt toái bổ còn gọi là Hầu khương, Hồ tôn khương, Thân khương, cây Tổ phượng, cây Tổ rồng, Tổ diều, Tắc kè đá, là thân rễ phơi khô của cây Bổ cốt toái ( Drynaria Fortunei (kunze) J.Sm) thuộc họ Dương xỉ.
Vị thuốc được ghi đầu tiên trong sách Dược tính bản thảo, có tên Bổ cốt toái vì người ta cho rằng vị thuốc này có tác dụng làm liền những xương bị dập nát, gãy.
Ở Việt nam có mấy loại Cốt toái bổ đều được dùng làm thuốc như Drynaria Fortunei J.Sm, Drynaria Bonii Christ.
Tính vị qui kinh:
Vị đắng, ôn, qui kinh Can thận.
Theo các sách thuốc cổ:
- Sách Nhật hoa tử bản thảo: tính bình.
- Sách Khai bảo bản thảo: vị đắng ôn, không độc.
- Sách Qủang tây trung dược chí: ngọt, hơi đắng, sáp, ôn.
- Sách Bản thảo cương mục: qui kinh Túc thiếu âm.
- Sách Bản thảo cầu chân: nhập Thận kiêm nhập Tâm.
- Sách Bản thảo tái tân: nhập Can thận.
Thành phần chủ yếu: Naringin.
Tác dụng dược lý:
A.Theo Y học cổ truyền:
Thuốc có tác dụng: bổ thận, làm mạnh gân xương, hoạt huyết hóa ứ, cầm máu giảm đau.
Trị chứng thận hư, đau lưng, đau răng, ù tai, té ngã chấn thương gân xương.
Trích theo một số Y văn cổ:
-
- Sách Dược tính bản thảo: “chủ cốt trung độc khí phong huyết thống, ngũ lao lục cực, mồm méo xếch tay co cứng, thượng nhiệt hạ lãnh”.
-
- Sách Khai bảo bản thảo: ” chủ ác sang sát trùng”.
-
- Sách Bản thảo cương mục: ” tán bột kẹp với thận heo nướng ăn lúc đói trị chứng tai ù, tiêu chảy do thận hư, đau răng”.
- Sách Bản thảo thuật: ” trị yêu thống hành tý, trúng phong, hạc tất phong, tiết tả lâm, di tinh, thóat giang”.
B.Kết quả nghiên cứu theo dược lý hiện đại:
- Cốt toái bổ có tác dụng tăng cường sự hấp thu Calci của xương, nâng cao lượng Phospho và calci trong máu giúp cho chóng liền xương. Thuốc có tác dụng giảm đau và an thần.
- Có tác dụng rõ phòng ngừa lipid huyết cao, làm giảm lipid máu cao và phòng ngừa được chứng xơ mỡ mạch.
- Thực nghiệm trên chuột lang, nhận thấy thuốc có tác dụng làm giảm độc của Kanamycin đối với tai trong, nhưng sau khi ngưng thuốc, tai vẫn bị điếc vẫn phát triển.
Ứng dụng lâm sàng:
1.Trị chứng răng đau, răng long, răng chảy máu do thận hư:
- Bột Cốt toái bổ vừa đủ sao đen xát vào răng.
- Gia vị Địa hoàng hoàn: Thục địa 16g, Sơn dược, Sơn thù, Phục linh, Đơn bì, Trạch tả mỗi thứ 12g, Tế tân 2g, Cốt toái bổ 16g, sắc uống.
2.Trị chấn thương phần mềm, gãy xương kín:
- Tẩu mã tán: Cốt toái bổ, lá sen tươi, lá Trắc bá diệp tươi, quả Bồ kết tươi, lượng bằng nhau, tán nhỏ, mỗi thứ 12g, ngày 2 lần, hãm nước sôi uống hoặc đã đắp ngoài.
- Tiếp cốt tán: Cốt toái bổ, Huyết kiệt, Bằng sa, Đương qui, Nhũ hương, Một dược, Tục đoạn, Đồng tự nhiên, Đại hoàng, Địa miết trùng, lượng bằng nhau, tán bột trộn Vaselin bôi vùng đau. Bài thuốc có tác dụng làm liền xương nhanh.
3.Phòng nhiễm độc Streptomycin:
- Mỗi ngày dùng Cốt toái bổ 30g, sắc nước, phân 2 lần uống, tác giả theo dõi 32 ca tai ù do streptomycin, kết quả tốt (Tạp chí Y trung nguyên 1987,2:33).
- Cốt toái bổ làm mất tác dụng phụ của Streptomycin 200 ca, có kết quả 89,6% (kết quả tiêm huyệt tai tốt hơn uống) (Theo báo cáo của Thang Mộ Lan đăng trên tạp chí Kháng sinh tố 1981, 4:52).
- 53 ca uống Streptomyci được dùng Cốt toái bổ thang (Cốt toái bổ 30g, Cúc hoa 12g, Câu đằng 12g), kết quả dùng trong 35 ngày là 98,1% (Tân trung y 1986,11:30).
4.Trị chai chân: Cốt toái bổ 9g, giã nát ngâm vào 100ml cồn 95%, 3 ngày đem xát vùng chai có kết quả (Tạp chí Trung y 1964,8:37).
Liều thường dùng:
- Liều: 10 – 20g. Dùng ngoài theo yêu cầu.