Cải cúc chữa bệnh
Những người đau đầu kinh niên sẽ cảm thấy dễ chịu hơn nếu đắp lá cải cúc hơ nóng và uống nước cải cúc.
Cải cúc giàu dinh dưỡng, ngoài lipit, protit, gluxit còn có vitamin B, C và vitamin A. Theo Đông y, cải cúc có vị ngọt nhạt, hơi the, đắng, mùi thơm, tính mát, không độc có tác dụng tán phong nhiệt, trừ đờm, giúp tiêu hóa tốt, chữa ho và chữa chứng đau mắt. Dưới đây là một số bài thuốc cụ thể:
Cảm cúm, ho, sốt, đau họng: Lấy một lượng rau cải cúc tươi, rửa sạch, cho vào bát tô, đổ cháo nóng lên độ 5 – 10 phút, trộn đều, ăn khi cháo còn nóng sẽ cho kết quả tốt.
Tỳ vị hàn: Khi mắc chứng lạnh bụng thì nên ăn rau cải cúc sẽ cân bằng lại.
Thổ huyết: Lấy một lượng rau cải cúc tươi đủ dùng, rửa sạch, cắt ngắn, giã nát, thêm nước sôi để nguội, khuấy đều, lọc lấy nước cốt uống.
Rau cải cúc có nhiều công dụng chữa bệnh. (ảnh minh họa)
Ho ở trẻ em: Lấy 6 gr rau cải cúc tươi rửa sạch, thái nhỏ, cho ít mật ong, hấp cách thủy lấy nước thuốc chia ra làm nhiều lần để trẻ uống.
Ho lâu ngày không khỏi: Lấy 100 – 150 gr rau cải cúc tươi rửa sạch, 200 gr phổi lợn. Nấu thành canh, ăn liền 3 – 4 ngày.
Kiết lỵ, ăn uống khó tiêu: Dùng cải cúc ăn sống hoặc nấu canh rất tốt.
Đau mắt: Lấy một nắm rau cải cúc tươi rửa sạch, thái nhỏ nấu với một con cá diếc (khoảng ba ngón tay) để ăn. Đồng thời dùng rau cải cúc rửa sạch, cho vào một miếng vải mỏng chườm lên mắt rất tốt.
Đau đầu kinh niên: Nếu bị đau nhức đầu kinh niên thì lấy lá cải cúc hơ nóng đắp lên hai bên thái dương và đỉnh đầu vào buổi tối trước khi đi ngủ, hoặc lúc thấy nhức đầu. Đồng thời lấy 10 – 15 gr nước lá cải cúc đã sắc uống nóng sẽ đỡ.
(Theo BS Nguyễn Thị Nhân/Báo Đất Việt)