Công dụng của cao khỉ
Khỉ còn gọi là hầu. Tên khoa học Macaca sp. Thuộc họ khỉ Cercopithecidae
Khỉ cho ta những vị thuốc sau đây:
1. Cao xương khỉ còn gọi là cao khỉ, cao hầu nấu bằng xương khỉ.
2. Cao khỉ toàn tính nấu bằng toàn bộ con khỉ, cả xương và thịt.
3. Hầu táo còn gọi là hầu đan hay hầu tử táo (Calculus macacae) tức là sỏi trong túi mật của con khỉ.
Mô tả con vật
Ở nước ta có nhiều loài khỉ dùng làm thuốc nhưng phổ biến nhất có loài khỉ nhỏ Macaca mulatta Zimmermann hay Macacus rhesus thuộc bộ khỉ mũi dưới hay khỉ mũi hẹp (Catarrhini). Loài này sống trên cây, có chân tay thích nghi để cầm nắm, ngón cái chụm được với ngón khác. Ðầu hơi tròn, to, bộ não phát triển, nét mặt dễ thay đổi, hai lỗ mũi gần nhau và nhìn xuống dưới, có túi má, răng 32 chiếc, có chai ở mông, đuôi ngắn chỉ bằng nửa mình, mặt không có lông, toàn thân có lông màu vàng nâu ngắn, phía bụng lông màu nhạt hơn.
Phân bố, săn bắt và chế biến
Loài khỉ sống ở rừng núi nước ta, nhiều nhất là những vùng núi đá vôi. Nó sống bằng cây cỏ, hoa màu và côn trùng. Trước đây ta thường chỉ bắt ăn thịt, lấy xương làm thuốc, gần đây người ta còn săn bắt khỉ sống, đặc biệt loài Macaca maldatta nói trên để lấy thận cấy vi trùng chế thuốc chống bại liệt vì phản ứng của nó giống người nên thường hay dùng thí nghiệm dược lý. Do nhu cầu ngày càng tăng nên ngoài việc săn bắt khỉ sống hoang, người ta đã bắt đầu nuôi khỉ, nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm. Loài khỉ này còn sống ở các nước vùng Ðông Nam Á như Indonesia, Ấn Ðộ, Malaysia, Philipine. Tại Trung Quốc có nhiều ở Quảng Tây, Tứ Xuyên, nhiều nhất là ở Quảng Tây.
Ở nước ta, từ xưa đến nay người ta thường chỉ biết lấy xương hay toàn con nấu cao, việc chế biến nấu cao giống như nấu cao hổ cốt hay nấu cao ban long.
Tại Trung Quốc, người ta hay lấy sỏi mật khỉ để trị bệnh, cách lấy cũng như lấy sỏi mật của trâu bò, lấy xong gói vào bông hay giấy bản, cho vào hộp kín có vôi cục để hút nước.
Thành phần hóa học
Ít thấy tài liệu nghiên cứu về cao khỉ cũng như về sỏi mật của khỉ. Nhưng trước đây, qua kiểm nghiệm một số cao động vật do các xí nghiệp dược phẩm ở nước ta sản xuất, người ta thấy trong cao khỉ có tới 16,86% nitơ toàn phần, 0,85% acid amin, 1,88% tro, 0,56% Clo, 4 phần triệu asen, 0,02% canxi và 0,03% photpho tính bằng H3PO4.
Công dụng và liều dùng
Chỉ mới thấy dùng trong phạm vi nhân dân.
Cao xương khỉ được coi là một loại thuốc bổ máu, bổ toàn thân dùng cho phụ nữ trong những trường hợp kém ăn, kém ngủ, thiếu máu xanh xao vàng vọt, hay đổ mồ hôi trộm.
Liều dùng hàng ngày từ 5-10g, cắt thành từng miếng nhỏ ngậm cho tan dần trong miệng hoặc thêm mật ong cho ngọt để dễ ăn. Có thể ngâm rượu uống vì cao khỉ thường khó bảo quản…
Sỏi mật của khỉ (hầu táo) được Ðông y coi là có tính lạnh (hàn) vị đắng, hơi mặn, vào các kinh tâm, phế, đởm và gan, có khả năng thanh nhiệt, trấn kinh, giải độc, tiêu thũng, tiêu đờm định suyễn. Ngày dùng với liều 0,20 – 0,30g dưới hình thức thuốc bột hay phối hợp với các vị khác mà uống.
GS. Đỗ Tất Lợi