4 vị thuốc giúp tăng cường chức năng thận
15-03-2024 10:15 | Vị thuốc quanh ta
Trong Nội kinh viết: “Con gái 7 tuổi thì thiên quý thịnh, răng thay tóc dài, 14 tuổi thì thiên quý đến mạch Nhâm thông với mạch Xung, vì vậy lúc đó người con gái thấy kinh. Khi người con gái có 7 thiên quý (7×7= 49), lúc đó thiên quý cạn hết, kinh nguyệt không còn, nên thân thể yếu đuối”.
Con trai 8 tuổi thận khí thực, tóc tốt, răng thay, 16 tuổi thì thận khí thịnh, thiên quý đến, tinh khí đầy, 24 tuổi thận khí điều hòa, thân thể cường tráng mạnh khỏe; 64 tuổi thận khí kém, tóc rụng, răng khô rụng, lục phủ ngũ tạng đều suy yếu, thiên quý cạn nên râu tóc bạc, người mệt mỏi…
Vì vậy việc dưỡng thận, bổ thận cần được lưu ý để duy trì chức năng của tạng thận.
1. Các tác dụng của thuốc bổ thận
– Chữa rối loạn thần kinh thể hưng phấn giảm:
+ Nam: Di hoạt tinh, liệt dương, đau lưng, ù tai, chân tay lạnh, mạch trầm nhược.
+ Nữ: Kinh nguyệt không đều, sảy thai, đẻ non, vô sinh.
+ Người già lão suy: Đau lưng, mỏi gối, tiểu tiện nhiều lần.
– Chữa đái dầm thể hư hàn (không có âm hư nội nhiệt).
-Trẻ chậm phát dục: Chậm liền thóp, chậm biết đi, chậm mọc răng, trí tuệ kém phát triển.
– Chữa hen mạn, thận hư không nạp khí.
– Chữa đau khớp, thoái khớp lâu ngày (thận chủ cốt).
– Chữa rối loạn thần kinh thể ức chế giảm: Tăng huyết áp, mất ngủ, di tinh, đau lưng, ù tai…
– Chữa rối loạn thần kinh thực vật do lao: Ho lâu ngày, ho ra máu, gò má đỏ, triều nhiệt, đạo hãn (lao phổi).
– Chữa rối loạn chất tạo keo: Thấp khớp mạn, viêm khớp dạng thấp, nhức trong xương, hâm hấp sốt, khát nước… (thận âm hư)…
Trẻ đái dầm, ra mồ hôi trộm, có cơ địa dị ứng nhiễm khuẩn do hệ thần kinh chưa phát triển hoàn chỉnh: Viêm phế quản mạn, viêm bàng quang mạn, hen…
– Chữa sốt kéo dài không rõ nguyên nhân: Y học cổ truyền cho rằng do thiếu tân dịch gây ra.
2. Một số vị thuốc giúp tăng cường chức năng thận
Dưới đây xin giới thiệu một số vị thuốc giúp tăng cường chức năng thận:
2.1. Hoài sơn (sơn dược, củ mài)
- Công năng chủ trị: Bổ tỳ chỉ tả, dưỡng âm sinh tân.
- Chữa tả lỵ lâu ngày, di tinh di niệu, khí hư bạch đới.
- Chữa ho, hen mạn, ho lao.
- Chữa khát nước do âm hư, do đái tháo đường.
Món ăn từ hoài sơn (Xương cục hầm hoài sơn): Xương cục rửa sạch, chế nước luộc sôi cho ra bọt bẩn. Đổ nước đầu tiên và chế thêm nước mới vào bắt đầu ninh xương trong khoảng 1h. Nêm 1 muỗng gia vị muối.
Sau khoảng thời gian hầm xương đã có vị ngọt tự nhiên, hạ lửa và trút củ mài vào ninh cùng. Củ mài cũng khá nhanh chín, vì vậy chúng ta không cần hầm lâu như khoai sọ. Đun sôi trở lại khoảng 5 – 7 phút là có thể nêm nếm lại gia vị và tắt bếp được rồi.
2.2. Ba kích (ruột gà)
– Bộ phận dùng: Rễ, bỏ lõi.
– Tính vị quy kinh: Cay ngọt, ôn – Quy kinh: Thận.
– Công năng chủ trị: Bổ thận dương, trừ phong thấp.
+ Chữa liệt dương, di tinh, kinh nguyệt không đều.
+ Chữa phong thấp, đau lưng mỏi gối.
+ Nước sắc có tác dụng hạ huyết áp, củ nấu với thịt gà ăn để bồi bổ sức khỏe.
Kiêng kỵ: Âm hư hỏa vượng, táo bón không dùng. Kỵ đan sâm.
Ba kích ngâm rượu: Ba kích tươi rửa sạch, tách loại bỏ phần lõi bên trong vì có chứa chất độc. Cho ba kích đã ráo nước vào bình, thêm rượu theo đúng tỷ lệ 1:5 như trên. Đóng chặt nắp bình, có thể lót thêm lớp nilon để ngăn thoát hơi rượu.
Sau khi ngâm được 20 ngày nên khuấy đều, rồi tiếp tục ngâm thêm ít nhất 60 ngày nữa trước khi lấy ra sử dụng. Thời điểm tốt nhất là sau 6 tháng. Cất trữ bình rượu ở nơi tối, chôn xuống đất được thì càng tốt. Mỗi ngày uống từ 1 – 3 chén nhỏ.
2.3. Tắc kè (cáp giới, đại bích hổ)
– Bộ phận dùng: Cả con còn nguyên vẹn cái đuôi. Không dùng con mất đuôi hoặc chắp đuôi. Khi dùng bỏ mắt (có độc), chặt 4 bàn chân, sấy khô tán bột hay ngâm rượu.
– Tính vị quy kinh: Mặn, ôn – Quy kinh: Phế, thận.
– Công năng chủ trị: Bổ phế thận, ích tinh trợ dương.
+ Chữa liệt dương, di hoạt tinh, điều hòa kinh nguyệt.
+ Chữa ho có đờm, ho lâu ngày, ho ra máu mủ, hen suyễn.
+ Chữa suy nhược cơ thể, đái tháo đường.
Món ăn chế biến từ tắc kè (Cháo tắc kè): Tắc kè sau khi lột da, làm sạch, cắt bỏ đầu từ mắt trở lên rồi đem băm cho thật nhuyễn, xong ướp với tiêu, tỏi, hành, nước mắm. Sau đó bắc chảo lên xào cho đến lúc chín vàng, bốc thơm là được. Khi ăn múc cháo nóng ra tô rồi cho thịt tắc kè vừa xào chín vào rồi ăn.
2.4. Thục địa
– Cách chế: Sinh địa đem chưng với rượu, gừng, sa nhân rồi phơi. Làm 9 lần như thế gọi là cửu chưng cửu sái, được thục địa.
– Tính vị quy kinh: Ngọt, ôn – Quy kinh: Tâm, can, thận.
– Công năng chủ trị: Bổ huyết, dưỡng âm.
+ Chữa huyết hư thiếu máu, kinh nguyệt không đều, kinh ít nhạt màu.
+ Trị âm hư sinh ho suyễn, khát nước, vật vã ít ngủ, đái tháo đường.
+ Chữa di tinh di niệu, lưng gối yếu mềm, sáng tai mắt, đen râu tóc.
Kiêng kỵ: Kỵ đồng (gây tổn huyết, bại thận làm tóc bạc).
Món ăn từ thục địa (Thục địa hầm gà): Gà 1 con; thục địa 200g, mạch nha 150g. Gà làm sạch bỏ ruột; cho dược liệu vào trong bụng gà, hầm cách thủy. Chia ăn hai hoặc ba lần trong ngày. Dùng cho các trường hợp mệt mỏi, đau lưng, mỏi gối, ăn kém gầy còm, sút cân, mồ hôi trộm, thân nhiệt thấp.